Sự đoàn kết, gắn kết và yêu thương trong cuộc sống luôn là những điều vô cùng đáng trân quý. Chúng không chỉ có trong phạm vi gia đình mà còn xuất hiện cả trong xã hội. Hai câu "Máu chảy ruột mềm" và "môi hở răng lạnh" là hai câu thành ngữ mang ý nghĩa như vậy:
1.1. “Máu chảy ruột mềm” nghĩa là gì?
Hai từ trung tâm của câu là “Máu” và “ruột” là những bộ phận trong cơ thể của con người có kết nối với nhau.
– Về nghĩa đen, câu thành ngữ “Máu chảy ruột mềm” được hiểu một cách đơn giản đó chính là khi “máu chảy” tức một trong những bên có kết nối với nhau bị tác động, tổn thương, thì “ruột mềm” là bên còn lại cũng bị ảnh hưởng, cảm nhận được.
– Về nghĩa bóng, thành ngữ “Máu chảy ruột mềm” chỉ mối quan hệ máu mủ ruột thịt giữa những người thân trong gia đình, khi gặp điều không tốt, khó khăn, hoạn nạn thì những người còn lại cũng cảm nhận được và không được vui vẻ. Không chỉ trong phạm vi gia đình mà còn là liên kết trong xã hội, chúng ta đề cùng mang dòng máu con rồng cháu tiên, có ai bị thương, bị khổ cũng có người thương và đồng cảm, khi một khu vực có tác động đến thì những nơi khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.
1.2. Bài học, ý nghĩa từ câu thành ngữ “Máu chảy ruột mềm”:
Tình yêu thương trong gia đình:
Anh chị em, cha mẹ, con cái trong nhà là những người ruột thịt, “chảy chung một dòng máu”. Vì thế, nếu ai đó có vấn đề gì không khác gì cả gia đình có chuyện xui, chuyện buồn, chuyện đau thương thì ít nhiều những người trong gia đình đều sẽ có cùng cảm, cũng chẳng thể vui vẻ và ngược lại. Giữa các thành viên trong gia đình luôn tồn tại sự gắn kết vô hình mà đôi khi chỉ trong hoạn nạn, khó khăn mới thấy rõ nhất.
Câu thành ngữ để lại bài học người một nhà luôn yêu thương, che chở nhau. Đó là tình yêu thương, là tình cảm ruột thịt vô giá khó sánh được.
Sự kết nối, tình yêu thương trong cộng đồng:
Bài học sâu xa của câu thành ngữ “Máu chảy ruột mềm” là nói về mối quan hệ tương thân tương ái giữa người với người. Trong cuộc sống nếu thấy những hoàn cảnh cơ cực thì trong lòng mỗi người cũng không lấy làm dễ chịu mà nhói lòng. Đây cũng là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, truyền thống tương thân tương ái, cho đi là còn mãi, giúp đỡ và bảo vệ nhau để góp phần phát triển đất nước.
Tuy mỗi vùng miền khác nhau, tỉnh thành khác nhau, khác biệt về văn hóa, xã hội, … nhưng mỗi người dân Việt Nam đều cùng một dòng máu “con rồng cháu tiên”, bố bể là nhà.
Hơn thế nữa, chúng ta đều được nghe mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Mỗi người chúng ta tạo nên gia đình, gia đình tốt thì xã hội cùng như vậy. Cho nên thương yêu đùm bọc nhau không chỉ là điều mà chỉ người ruột thịt dành cho nhau mà giữa người với người cũng rất cần thiết và ý nghĩa.
2. Giải thích ý nghĩa câu Môi hở răng lạnh:
2.1. “Môi hở răng lạnh” nghĩa là gì?
Theo từ điển tiếng Việt thì câu thành ngữ “môi hở răng lạnh” bao hàm hai phần ý nghĩa là:
– Về nghĩa đen nghĩa của câu muốn nói khi hai môi trên và dưới của miệng con người mà không khép kín, khe hở đó sẽ khiến gió từ bên ngoài lùa vào miệng khiến cho răng ở bên trong bị lạnh hay tê buốt.
– Về nghĩa bóng: Câu thành ngữ lấy hình ảnh “môi” và “răng” là hai bộ phận của khoang miệng của cơ thể, có liên quan và gắn liền với nhau, cái này bảo vệ cái kia còn cái kia dựa vào cái này. Ý chỉ những người thân trong một gia đình có mối liên kết mật thiết và quan trọng đối với nhau, phải nhờ cậy và giúp đỡ lẫn nhau. Nếu không sẽ tổn hại cho nhau như môi không lành thì răng bị lạnh, răng mà mất thì môi cũng bị móm vào.
2.2. Bài học, ý nghĩa từ câu thành ngữ “Môi hở răng lạnh”:
Thành ngữ “Môi hở răng lạnh” dạy chúng ta bào học về về tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Giữa các thành viên trong một gia đình như: cha mẹ, anh em, … Đã là những người thân ở bên cạnh nhau, cùng dòng máu với nhau thì chúng ta phải biết yêu thương lẫn nhau.
Bài học đúc kết từ thành ngữ không dừng lại ở phạm vi gia đình, “Môi hở răng lạnh” là triết lý về lối sống tình nghĩa, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau giữa người với người, không chỉ với anh em trong nhà mà còn là tình làng nghĩa xóm, lòng tương thân tương ái với đồng bào sống chung trong một lãnh thổ.
Trong cuộc sống chúng ta rất khó để tồn tại nếu chỉ sống một mình làm mọi thứ trên đời này mà không cần đến người khác. Nhất là khi bản thân gặp khó khăn sẽ rất cần đến sự giúp đỡ của những người xung quanh. Những người thân thiết tròn gia đình là những người đã bên cạnh và luôn bên cạnh, chăm sóc, lo lắng và yêu thương chúng ta, sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Những người ngoài xã hội là những người cho ta bài học, kinh nghiệm và đôi khi cũng giúp đỡ chúng ta dù không hề quan biết. Vì vậy, hãy luôn đùm bọc lẫn nhau, chứ đừng “sống chết mặc bay”, đừng thờ ơ và quên đi những người ở quanh chúng ta, cái lợi trước mắt đôi khi sẽ là cái hại lâu dài về sau, vô cảm là căn bệnh giết chết lòng thiện lương và ấm áp của mỗi người. Thành ngữ “Môi hở răng lạnh” như lời nhắc nhở mỗi người về tinh thần tương thân tương ái cao đẹp, biết thương yêu và tương trợ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh.
3. Một số câu thành ngữ, tục ngữ, câu nói có cùng ý nghĩa:
3.1. Một số câu thành ngữ, tục ngữ có cùng ý nghĩa:
Ngoài Máu chảy ruột mềm và Môi hở răng lạnh, ta còn có các câu thành ngữ khác với ý nghĩa tương tự về sự đùm bọc, yêu thương giữa người trong gia đình như:
– Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ
– Lá lành đùm lá rách
– Khi rét ta chung một lòng, khi đói ta chung một dạ.
– Nhường cơm sẻ áo
– Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
– Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng.
– Chết cả đống còn hơn sống một người.
– Chị em một ruột mà ra/ Chị giàu em khó hóa ra người ngoài.
– Dựng nhà cần nhiều người, đánh giặc cần nhiều sức.
– Anh em như thể tay chân Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần
– Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
– Đoàn kết thì sống, chia rẻ thì chết.
– Khi đói cùng chung một dạ Khi rét cùng chung một lòng
– Thương nhau chia củ sắn lùi, Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng.
– Con chim khôn cả đàn cùng khôn, Con chim dại cả đàn cùng dại.
– Anh em cốt nhục đồng bào Kẻ sau người trước phải hào cho vui.
3.2. Một số câu nói có ý nghĩa tương tự:
Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là một đức tính tốt đẹp của con người, không chỉ hỗ trợ chính mình và người khác vượt qua khó khăn. Mang lại sự thành công trong cuộc sống và phát triển bản thân ngày càng tốt hơn.
– Phải hai hòn đá mới đánh được lửa. – Louisa May Alcott
– Nhiều người chúng ta có thể làm được nhiều hơn là một số chúng ta, nhưng không ai trong chúng ta có thể làm được nhiều như tất cả chúng ta. – Tom Wilson.
– Đoàn kết, chúng ta đứng vững; chia rẽ, chúng ta sụp đổ. – Aesop
– Thậm chí người yếu cũng có thể trở thành mạnh khi họ đoàn kết. – Friedrich Schiller
– Ánh sáng của sự đồng lòng chói lọi tới mức có thể chiếu sáng cả trái đất. – Bahaullah.
– Nếu hai hay ba người đồng ý một mục đích chung, không gì là không thể. – Jim Rohn.
– Vàng bạc châu báu không được coi là giàu thật sự. Đoàn kết hoàn thuận mới là hạnh phúc. – Sưu tầm
– Nếu tất cả mọi người cùng nhau tiến lên, thành công sẽ tự đến. – Henry Ford.
– Hai người thông minh cùng nhau thảo luận sẽ nghĩ ra được những ý tưởng hay. Vàng và đỏ hai màu trộn lại lẫn nhau sẽ tạo ra một màu sắc khác tuyệt vời hơn. – Sưu tầm.
– Cây liễu ngả theo chiều gió và sinh trưởng cho tới một ngày nó trở thành nhiều cây liễu – một bức tường chống gió. – Frank Herbert
– Đoàn kết là sức mạnh… khi có sự chung sức và hợp tác, ta có thể đạt được những điều tuyệt vời. – Mattie Stepanek.
– Riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng ta là đại dương. – Ryunosuke Satoro
Như vậy, thành ngữ “Máu chảy ruột mềm” và “Môi hở răng lạnh” dù đều vỏn vẹn chỉ bốn chữ nhưng chứa đựng cả bài học to lớn về cuộc sống đối với gia đình và xã hội. Để ta thấy rằng, ta đừng chỉ biết sống cho bản thân, hành động của ta có thể làm ảnh hưởng đến người khác và chuyện xảy ra với ta không chỉ mỗi ta mà còn cả những người xung quanh ta dù là người thân trong gia đình hay một người xa lạ đều ít nhiều quan tâm đến ta nên ta mà cần phải quan tâm, tương trợ mọi người xung quanh, “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”!