(TG) - Từ ngàn đời nay, với đức tính
hiền lành, chất phác, thương người mến khách, yêu thiên nhiên, với trí
tưởng tượng bay bổng và sáng tạo, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã
sáng tạo ra một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, độc đáo và nguyên
sơ, phản ánh đầy đủ tâm hồn, cốt cách, bản lĩnh của những con người sống
giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ...
Từ ngày 29/11 đến ngày 1/12/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đăk Lắk và Lâm Đồng tổ chức Ngày hội Văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 tại tỉnh Kon Tum. Đây là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch".
Ngày hội Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I là dịp để cộng đồng các dân tộc vùng Tây Nguyên được tắm mình trong dòng sông văn hoá cội nguồn, để cùng khoe sắc với đại gia đình các dân tộc Việt Nam, là thông điệp trực quan vận động bà con các dân tộc ở Tây Nguyên về giữ gìn và phát huy di sản văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội để các dân tộc của các tỉnh Tây Nguyên gặp gỡ, giao lưu văn hoá, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy, quảng bá không gian văn hoá lễ hội của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Ngày hội cũng tạo điều kiện để các tỉnh quảng bá, giới thiệu về văn hoá vùng đất con người Tây Nguyên đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước, mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, liên kết các tỉnh Tây Nguyên để phát triển vùng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm về an ninh chính trị, thu hút khách du lịch thông qua các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch. Đồng thời, khẳng định sức sống mới, sự lan toả mãnh liệt của không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trong đời sống đương đại.
Nghệ nhân A Yưk (dân tộc Gia Rai), xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum giới thiệu về nghề tạc tượng truyền thống
Nói đến văn hóa các dân tộc Tây Nguyên là nói đến Không gian văn hóa cồng chiêng, không gian của lễ hội được trải rộng suốt 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Từ ngàn đời nay, với đức tính hiền lành, chất phác, thương người mến khách, yêu thiên nhiên, với trí tưởng tượng bay bổng và sáng tạo, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã sáng tạo ra một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, độc đáo và nguyên sơ, phản ánh đầy đủ tâm hồn, cốt cách, bản lĩnh của những con người sống giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, đầy nắng và gió.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, Ngày hội diễn ra theo đúng kế hoạch, thực hiện đầy đủ các nội dung trong Ngày hội, đảm bảo an toàn về mọi phương diện, tạo được không khí phấn khởi đoàn kết, lòng tự hào về các giá trị văn hoá truyền thống để đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng nâng cao được nhận thức, sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm giữ gìn di sản văn hoá quý báu của dân tộc mình.
Đồng bào Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum trình diễn Lễ mở cửa kho lúa
Chương trình Lễ khai mạc Ngày hội đã đảm bảo tính trang trọng, hoành tráng có ý nghĩa về chính trị, văn hoá đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người xem, với nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các tỉnh tham gia ngày hội và công chúng; có sức lan tỏa về các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc khu vực Tây Nguyên; Ngày hội đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương đã đến tham dự, chỉ đạo, phát biểu, động viên khích lệ các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và đánh giá cao các hoạt động của Ngày hội nói chung và chương trình Lễ khai mạc nói riêng.
Phần hội với 6 nội dung: Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; Trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của địa phương; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc; Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc; Liên hoan Văn nghệ quần chúng và các hoạt động thi đấu thể thao tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên.
Đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk tái hiện lại Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê.
Đối với Không gian Trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng các dân tộc khu vực Tây Nguyên, các tỉnh tham dự ngày hội với một phong cách khác nhau song đã thể hiện được nét riêng của các địa phương qua trưng bày, giới thiệu đặc trưng văn hóa cộng đồng thông qua hiện vật: tranh, ảnh, sách, tờ gấp; mô hình hiện vật, nhạc cụ, trang phục truyền thống của dân tộc, nghề thủ công, thổ cẩm, sản vật của địa phương nhằm giới thiệu với du khách thập phương về địa phương của mình một cách sinh động, lôi cuốn và thu hút người xem.
Liên hoan văn nghệ quần chúng với sự tham gia của 5 đoàn với các tiết mục văn hóa nghệ thuật khác nhau; tiết mục của các đoàn phần lớn đều do các nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia biểu diễn, có sự đầu tư công phu, nội dung phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa khu vực Tây Nguyên bám sát với chủ đề Ngày hội. Các tiết mục văn nghệ quần chúng của các đoàn đã minh chứng và đánh thức tiềm năng, bản sắc văn hoá nội sinh của các dân tộc vùng Tây Nguyên, để lại nhiều ấn tượng, bất ngờ, đối với Hội đồng thẩm định và những ai được chứng kiến với những làn điệu dân ca, âm nhạc dân gian, cồng chiêng, điệu múa nhiều phong cách nhưng giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc. Các nghệ nhân, diễn viên không chuyên của các các dân tộc thực sự đã chinh phục người xem bởi những vũ điệu, lời ca giàu cảm xúc, tự hào về văn hoá của mình.
Chương trình Trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, qua sự thể hiện của các nghệ nhân trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống của các dân tộc: Giẻ Triêng, K’ Ho, M’Nông, Mạ, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na như một bức tranh đa sắc mầu đã tạo nên sự hấp dẫn, thu hút người dân và du khách. Các bộ trang phục được thể hiện từ kiểu dáng, họa tiết, sắc mầu… đã minh chứng sự sáng tạo, sự tinh tế thông qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, từ các bà, các mẹ đã thêu dệt lên những chiếc áo, chiếc váy… gắn với đời sống thường ngày, gắn với các lễ hội, khi hát giao duyên, khi làm cô dâu, chú rể, khi tổ chức các nghi lễ. Các nghệ nhân tham gia trình diễn giới thiệu trang phục của mình, với sự tự tin đã tôn lên vẻ đẹp tự nhiên, hồn nhiên, hấp dẫn riêng, tạo nên lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Tin tưởng rằng, trang phục truyền thống của các dân tộc sẽ tiếp tục được gìn giữ và trao truyền đến các thế hệ nối tiếp.
Về Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên: 05 tỉnh đã lựa chọn và dàn dựng 01 trích đoạn lễ hội thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của các dân tộc ở địa phương mình. Qua trích đoạn lễ hội đặc sắc của các đoàn đã cho thấy các địa phương rất coi trọng công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên.
Các nghệ nhân người Cơ Ho nhánh S’rê tỉnh Lâm Đồng tái hiện Lễ cúng chiêng.
Các trích đoạn lễ hội được chuẩn bị nghiêm túc, có sự đầu tư về nghiên cứu khoa học gắn với khảo sát thực tiễn, tuy được trình diễn một cách mộc mạc giản dị nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các nghi thức dân gian với sự tham gia của thầy cúng, nghệ nhân, lễ vật, âm nhạc, múa tâm linh, tái hiện không gian thể hiện gần nhất trong thực tế đời sống. Đây cũng là minh chứng về sự phong phú, đa dạng và nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Nguyên, có sự kế thừa các yếu tố văn hoá truyền thống đậm bản sắc, song vẫn có sự lựa chọn những giá trị văn hóa phù hợp để giao thoa, bảo tồn, phát huy phù hợp với đời sống xã hội từng địa phương và phù hợp với sự phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.
Bên cạnh đó nội dung triển lãm trưng bày đặc trưng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam của Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam và Không gian trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa đặc sắc các dân tộc Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam do Vụ Văn hóa dân tộc thực hiện đã góp phần làm phong phú, tạo điểm nhấn riêng cho Ngày hội lần này.
Về các hoạt động thể thao: 151 vận động viên quần chúng các dân tộc tham gia tranh tài ở 5 môn: kéo co, đẩy gậy, bắn ná, leo cột mỡ và nhảy bao bố. Đây là những môn thể thao dân gian được đông đảo đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên yêu thích, thường xuyên tham gia tập luyện và tổ chức thi đấu trong các lễ hội truyền thống của địa phương, bởi không đòi hỏi cao về cơ sở vật chất sân bãi, dễ chơi lại rất sôi nổi, hấp dẫn cả người chơi lẫn người xem.
Trình diễn Lễ rước rể của người Ê Đê.
Thông qua các hoạt động sôi động, giàu bản sắc văn hóa của Ngày hội, du khách gần xa đã được tham dự, chứng kiến và được thưởng thức những giai điệu âm thanh, giàu bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên, từ đó yêu quý, trân trọng cùng giữ gìn các di sản văn hoá quý giá của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng. Đây cũng là cơ hội để bản sắc văn hóa các dân tộc được lan tỏa, đồng thời cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, đặc biệt là các nghệ nhân - chủ thể văn hóa đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các của các dân tộc Tây Nguyên trong “vườn hoa đa sắc” của 54 dân tộc anh em.
Việc tổ chức 3 năm một lần và luân phiên qua các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên là một sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc được giao lưu, trao đổi văn hóa, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng bản làng, quê hương vùng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
MINH HOÀNG